Blog list

Bệnh tăng nhãn áp thực sự nguy hiểm đến mức nào?

Written by Admin | Feb 19, 2024 5:00:10 AM

Được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tăng nhãn áp luôn là nỗi lo lắng của mọi người ở bất kỳ độ tuổi nào.

Tăng nhãn áp là bệnh gì?

Tăng nhãn áp, thường được dân gian biết đến với tên gọi thiên đầu thống, Glaucoma hoặc cườm nước, là một bệnh lý nghiêm trọng gây tổn thương cho dây thần kinh thị giác. Bệnh phát sinh do áp lực của dịch thủy bên trong mắt tăng lên nhiều hơn so với mức bình thường, tạo ra áp lực đặt biệt lên mắt. Điều này dẫn đến tổn thương của các dây thần kinh, gây nên các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, và làm mờ tầm nhìn,... và có nguy cơ dẫn đến tình trạng mù lòa nếu để lâu dài.


Ở các quốc gia phát triển, bệnh tăng nhãn áp được xếp thứ hai trong số các nguyên nhân gây mù, chỉ sau bệnh đái tháo đường. Riêng ở Việt Nam, tăng nhãn áp là bệnh lý đứng đầu danh sách nguyên nhân gây mù lòa, chỉ sau đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, mù lòa do tăng nhãn áp hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thờ
Hiện nay, bệnh tăng nhãn áp được chia làm 4 dạng chính là glocom góc mở, glocom góc đóng, glocom bẩm sinh và glocom thứ phát:

Tăng nhãn áp góc mở

Tăng nhãn áp góc mở thường rất khó phát hiện do bệnh có xu hướng phát triển âm thầm. Trong khoảng thời gian đầu, người bệnh dường như không cảm nhận được bất kỳ sự thay đổi nào ở mắt cho đến khi bắt đầu xuất các triệu chứng đầu tiên thì cũng là lúc bệnh đã trở nặng. Đối tượng thường bị tăng nhãn áp góc mở là người trung niên. Vì thế người bệnh hay chủ quan, nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh cườm nước với việc suy giảm thị lực của tuổi già.

Tăng nhãn áp góc đóng

Ngược với tăng nhãn áp góc mở diễn ra âm thầm trong thời gian dài, bệnh tăng nhãn áp góc đóng là cơn cấp tính và có nguy cơ dẫn đến mất thị lực nếu không được cấp cứu kịp thời. Tuy gây đau đớn cho người bệnh nhưng đây là loại tăng nhãn áp dễ dàng được phát hiện ra nhất với những triệu chứng đau nhức nửa đầu và đau mắt dữ dội, cấp tính cùng biểu hiện suy giảm thị lực nặng.

Tăng nhãn áp bẩm sinh

Đây được xem là hiếm gặp nhất trong các dạng tăng nhãn áp, có thể gặp phải ở những trẻ em ngay từ khi sinh ra do di truyền hoặc phát triển ở những năm đầu đời của bé với những triệu chứng điển hình như:

  • Nước mắt chảy ra liên tục.
  • Mí mắt thường xuyên bị co thắt, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Tròng đen của mắt có kích thước to hơn bình thường.
  • Bé có biểu hiện dụi mắt thường xuyên, nheo mắt hoặc có thể nhắm mắt khi gặp ánh sáng trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy có tỷ lệ xảy ra thấp nhưng tăng nhãn áp ở trẻ sơ sinh có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Tăng nhãn áp thứ phát

Bệnh tăng nhãn áp (BTNA) thứ phát thường xảy ra đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý nền toàn thân hoặc đã gặp các thương tổn về mắt. Các BTNA thường gặp nhất là BTNA tróc mảnh, BTNA nhiễm sắc tố (có các hạt sắc tố của mống mắt gây tắc các kênh dẫn lưu làm tăng nhãn áp từng lúc), BTNA tân sinh mạch.

Nguyên nhân gây tăng nhãn áp

Tuy nguyên nhân cũng như cơ chế gây ra tăng nhãn áp vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng dựa trên số liệu và tiền sử bệnh của các bệnh nhân trước đó, các bác sĩ nhãn khoa đã tìm ra những yếu tố làm gia tăng khả năng mắc phải bệnh tăng nhãn áp:

1. Do di truyền: Nếu trong gia đình bạn có cha mẹ hay anh chị em đang mắc phải bệnh này thì bạn sẽ được xếp ngay vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

2. Là người Mỹ gốc Phi, Á hay Mỹ La Tinh: Dựa trên dữ liệu thống kê mới nhất, những người Mỹ gốc Phi, Á hoặc Mỹ La Tinh trên 35 tuổi, thường có nguy cơ cao hơn mắc phải một số bệnh lý mắt, trong đó bao gồm cả tăng nhãn áp. Trong khi đó, ở các chủng tộc khác, nguy cơ này thường tăng lên khi bước vào độ tuổi trên 50.

3. Có tiền sử mắc phải một số bệnh như: Tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, giảm năng tuyến giáp,… 

4. Mắc phải các bệnh về mắt khác như cận thị nặng. 

5. Do sử dụng thuốc steroid (một loại thuốc có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau) trong thời gian dài.

6. Do chấn thương ở mắt, phẫu thuật mắt hoặc viêm mắt mãn tính.

7. Do tuổi tác: Người trên 60 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phát hiện bệnh sớm bằng cách nào?

Đối với bệnh tăng nhãn áp, việc phát hiện bệnh sớm là yếu tố vô cùng quan trọng và cấp thiết để bảo vệ thị lực của mình:

  • Đo nhãn áp và soi đáy mắt cho tất cả người bệnh trên 40 tuổi đến khám mắt để phát hiện bệnh sớm. 
  • Khám và theo dõi cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao vì nhóm người này có nguy cơ bị bệnh gấp 5-6 lần người bình thường. 
  • Thăm khám định kỳ sớm từ lúc 30 tuổi để phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Khi phát hiện được người bệnh có nguy cơ BTNA, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Tùy vào mức độ nặng của bệnh, duy trì sự ổn định của mức độ nhãn áp có thể được thực hiện bằng việc sử dụng thuốc, laser, thậm chí phẫu thuật hoặc phối hợp các biện phát điều trị.


Tại phòng khám MEC, các bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành việc theo dõi định kỳ mắt một cách sát sao, nhằm đánh giá mức độ đáp ứng của thuốc đối với việc duy trì nhãn áp mục tiêu, phát hiện các tác dụng phụ với thuốc, bệnh nhân có tuân thủ việc điều trị không, và có cần điều trị hỗ trợ không.


Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn có thể đặt lịch thăm khám ngay với MEC để được tư vấn và điều trị.


Đội ngũ của MEC