Dù là bệnh lý nguy hiểm có tỉ lệ mắc cao, thế nhưng, còn ít người Việt Nam biết đến triệu chứng, nguyên nhân và phương thức phòng ngừa căn bệnh viêm màng bồ đào.
Viêm màng bồ đào là gì?
Màng bồ đào là bộ phận quan trọng của mắt, cấu tạo từ ba phần, bao gồm: mống mắt, thể mi và hắc mạc.
Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm nhiễm một trong ba phần trên hoặc viêm nhiễm toàn bộ màng bồ đào. Đây là bệnh lý viêm nặng và phức tạp ở mắt hoặc là một biểu hiện tại mắt của bệnh toàn thân, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thị lực.
Dựa vào vị trí tổn thương, viêm màng bồ đào được chia thành 4 loại:
- Viêm màng bồ đào trước: Viêm ở mống mắt và viêm ở mống mắt thể mi. Đây là dạng viêm thường gặp nhất, các triệu chứng xuất hiện đột ngột và có thể kéo dài đến vài tuần;
- Viêm màng bồ đào trung gian: Viêm ở phần giữa của mắt, các triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần;
- Viêm màng bồ đào sau: Viêm ở phần màng mạch, võng mạc, hắc mạc, hoặc gai thị, bệnh thường phát triển từ từ trong nhiều năm;
- Viêm toàn màng bồ đào: Viêm đồng thời ở cả màng bồ đào trước, trung gian và sau.
Viêm màng bồ đào là bệnh lý có căn nguyên phức tạp. Trong một số trường hợp, bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên viêm màng bồ đào gồm:
- Viêm nhiễm do màng bồ đào bị tấn công bởi các loại vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh), virus (Herpes), nấm (Candida) hay ký sinh trùng (Toxoplasma Gondii);
- Nhiễm độc tố từ hoá chất, độc tố từ tác nhân gây nhiễm trùng hoặc từ các u ác tính trong nhãn cầu;
- Chấn thương ở nhãn cầu do dị vật gây ra hoặc chấn thương sau khi can thiệp phẫu thuật;
- Viêm thứ phát do mắc phải các bệnh lý toàn thân như Collagenose, bệnh da liễu, Sarcoidose, bệnh Behcet, bệnh máu;
- Mắc bệnh tự miễn như AIDS, viêm cột sống dính khớp, bệnh đa xơ cứng, bệnh vẩy nến, viêm loét đại tràng,...
Chẩn đoán nguyên nhân của viêm màng bồ đào là một thách thức lớn, đòi hỏi kinh nghiệm, phương tiện xét nghiệm, tầm soát cũng như sự hỗ trợ chẩn đoán từ các chuyên khoa khác như tim mạch, nội khớp, nội tiết, da liễu, thần kinh, chuyên khoa nhiễm trùng,… Khai thác bệnh sử, xem lại hồ sơ bệnh án cũ, các xét nghiệm ban đầu cũng là các bước cơ bản và quan trọng giúp bác sĩ định hướng để truy tìm nguyên nhân bệnh.
Triệu chứng
Viêm màng bồ đào có thể diễn ra ở một hoặc hai mắt với triệu chứng ngắn hoặc dài hạn. Các triệu chứng có thể tự khỏi và tái phát trở lại theo thời gian, lâu dần, làm tổn thương hoặc phá huỷ cấu trúc mắt, dẫn đến mất thị lực.
Viêm màng bồ đào trước có triệu chứng tương đối rõ ràng (đặc biệt là ở giai đoạn cấp tính). Người bị viêm màng bồ đào trước sẽ có một số biểu hiện như:
- Đau dữ dội ở mắt;
- Cương tụ mạch máu ở kết mạc;
- Đỏ mắt, thường xuyên chảy nước mắt;
- Nhạy cảm với ánh sáng chói;
- Thị lực suy giảm ở nhiều mức độ;
- Bác sĩ có thể nhìn thấy các mạch máu nổi rõ trên bề mặt của mắt gần rìa giác mạc, các tế bào trôi nổi ở phần trước của mắt (dịch tiền phòng) và lắng đọng trên bề mặt bên trong của giác mạc.
Viêm màng bồ đào trung gian thường không gây đau đớn, tuy nhiên, thị lực của bệnh nhân sẽ giảm sút và xuất hiện hiện tượng ruồi bay - một hiện tượng mà người bệnh nhìn thấy đốm hoặc vệt dài có màu đen, xám, trôi nổi trước mắt.
Viêm màng bồ đào sau cũng có triệu chứng tương tự viêm màng bồ đào trung gian. Tuy nhiên, người bệnh còn xuất hiện một số triệu chứng khác, như:
- Đau đầu;
- Đau nhức trong nhãn cầu;
- Mất thị lực một phần hoặc mất thị lực toàn bộ.
Viêm toàn màng bồ đào có thể có bất kì triệu chứng nào đã nêu ở trên.
Biến chứng
Nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, viêm màng bồ đào sẽ gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí gây ra mù loà. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến xuất phát từ viêm màng bồ đào.
Tăng nhãn áp:
Trong đợt viêm cấp, khi đồng tử hoặc góc tiền phòng bị nghẽn do tăng sinh hoặc tăng tiết dịch, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng tăng nhãn áp. Đây là biến chứng thường thấy nhất của viêm màng bồ đào trước.
Ngoài ra, di chứng của viêm màng bồ đào cũng có thể gây ra tăng nhãn áp vì dính góc tiền phòng, dính bít đồng tử hoặc tân mạch mống mắt (Glaucoma tân mạch). Trong một số trường hợp, việc điều trị viêm màng bồ đào bằng thuốc Corticoid kéo dài cũng dẫn đến biến chứng này
Đục thuỷ tinh thể:
Đục thuỷ tinh thể là tình trạng thuỷ tinh thể bị mờ đục làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, không hội tụ được tại võng mạc. Đây là biến chứng gây nên bởi viêm mống mắt thể mi mạn tính hoặc do di chứng của quá trình viêm nhiễm. Điều trị kéo dài bằng thuốc Corticoid cũng dẫn đến đục thuỷ tinh thể.
Phù hoàng điểm dạng nang
Hoàng điểm (điểm vàng) là nơi ánh sáng hội tụ sau khi đi qua thuỷ tinh thế, đảm nhiệm chức năng nhận diện hình ảnh và phân biệt màu sắc một cách rõ nét. Phù hoàng điểm là tình trạng dịch bị tích tụ trong hoàng điểm, khiến hoàng điểm trở nên dày, phù nề, từ đó, thị lực của người bệnh suy giảm và tầm nhìn trở nên biến dạng. Đây là biến chứng thường gặp ở thể viêm màng bồ đào trung gian hoặc viêm hắc mạc.
Tổ chức hóa dịch kính:
Dịch kính nằm phía sau thể thuỷ tinh, có cấu trúc dạng khối gel trong suốt và cấu tạo từ nước và các sợi collagen. Dịch kính có chức năng duy trì áp lực giúp võng mạc được bảo toàn, đồng thời, thấu kính hội tụ ánh sáng tốt hơn, từ đó, thu được hình ảnh rõ nét hơn. Viêm màng bồ đào khiến dịch kính bị đục, tổ chức hoá, khiến thị giác bị ảnh hưởng.
Một số biến chứng khác:
Teo nhãn cầu: Đây là tình trạng các mô nhãn cầu teo nhỏ lại và mất dần chức năng thị giá do thể mi giảm tiết thuỷ dịch vĩnh viễn.
Bong võng mạc: Viêm màng bồ đào gây ra xơ dịch kính, co kéo, từ đó dẫn đến bong võng mạc.
Phương pháp điều trị
Để điều trị viêm màng bồ đào hiệu quả, cần xác định được căn nguyên của bệnh, đặc biệt, phải loại trừ được viêm màng bồ đào đến từ nguyên nhân nhiễm trùng hay tự miễn vì hướng điều trị của hai tình huống này hoàn toàn trái ngược nhau.
Thông qua quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân gây bệnh. Có 2 hướng điều trị chủ yếu được thực hiện, bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Điều trị bằng thuốc (Nội khoa): Kê đơn thuốc kháng viêm, thuốc ức chế miễn dịch; kháng sinh điều trị nhiễm trùng, thuốc kháng virus…
Điều trị ngoại khoa
Can thiệp bằng phẫu thuật (Ngoại khoa): Khi tình trạng viêm đã được kiểm soát hoặc khi các biến chứng có nguy cơ gây tổn thương không hồi phục như tăng nhãn áp, co kéo bong võng mạc.., bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật nhằm giải quyết các biến chứng gây ảnh hưởng đến thị lực như: Phẫu thuật thay thể thủy tinh, phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp, phẫu thuật võng mạc,…
Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn có thể đặt lịch thăm khám ngay với MEC tại đây
Bs. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh