Trở về trang Bài viết

Đo thị lực, khúc xạ

Tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị làm giảm hiệu suất làm việc và học tập. Theo WHO cảnh báo, mỗi người chỉ cần tiếp xúc với màn hình điện tử trên 3 giờ mỗi ngày sẽ đối diện với nguy cơ suy giảm thị lực lên đến 90%. Thực tế tại Việt Nam, con số này là 10 tiếng, gấp 3 thời gian cho phép, hậu quả là cả nước có khoảng 15-40% người mắc phải tật khúc xạ, ​​tương đương với 14-36 triệu người.

Vì vậy, việc đo thị lực và khúc xạ định kỳ đều đặn từ trước 5 tuổi có thể giúp tầm soát, phát hiện và tránh nguy cơ nhược thị, cũng như phát hiện các vấn đề mắt khác nghiêm trọng hơn. Việc đo và làm kính mắt phù hợp giúp cải thiện khả năng nhìn tốt, và nâng chất lượng cuộc sống.

Khi nào cần đo thị lực, khúc xạ?

Trẻ em: 

  • Trẻ dưới 3 tuổi: khám mắt tầm soát có thể giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt phổ biến như tật khúc xạ, bệnh lác (lé), giảm thị lực (mắt lười);
  • Từ 3 tuổi trở lên: khám mắt định kỳ cho trẻ nhằm phát hiện sớm tật khúc xạ để có các biện pháp khắc phục sớm, tránh tình trạng tăng độ nhanh, giảm thị lực,...;
  • Khi trẻ có các biểu hiện như nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, viết sai, viết lệch hàng, đau đầu, chảy nước mắt do cố gắng điều tiết mắt. 

Người lớn: 

  • Nhìn đôi, nhìn mờ;
  • Tầm nhìn bị hạn chế;
  • Thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh ánh đèn;
  • Nheo mắt;
  • Nhức đầu;
  • Mỏi mắt, nhức mắt.
  • Khó tập trung khi đọc hoặc nhìn vào máy tính.

Đo thị lực, khúc xạ tiêu chuẩn tại MEC

Việc khám mắt và đo thị lực, khúc xạ cần được đảm bảo thực hiện theo thời gian định kỳ, mỗi năm 1-2 lần. Đo thị lực là bước cơ bản đầu tiên của một lần khám mắt. Thị lực là khả năng mắt có thể nhìn vật ở xa hay khả năng nhìn gần, đọc chữ. Số đo thị lực bình thường được ghi là 20/20, 6/6 hay 10/10. Thị lực được đo, đánh giá trên từng mắt.

ser-1-main

Các bước đo thị lực, khúc xạ bao gồm: (cho từng mắt)

  1. Hỏi thói quen dùng kính của người bệnh (có mang kính thường xuyên không? Kính xa/gần, đơn tròng/ đa tròng, mang kính áp tròng, ect…);
  2. Đo khúc xạ kế tự động;
  3. Đo thị lực không mang kính;
  4. Đo thị lực có mang kính của người bệnh;
  5. Soi bóng đồng tử;
  6. Đo khoảng cách đồng tử;
  7. Đo thị lực có chỉnh kính;
  8. Nhỏ liệt điều tiết hai mắt (nếu cần);
  9. Soi bóng đồng tử sau liệt điều tiết;
  10. Đo thị lực chỉnh kính lần 2;
  11. Đo thị lực nhìn gần;
  12. Đo thị lực hai mắt;
  13. Kiểm tra thực tế cho người bệnh đeo kính thử xem có khó chịu không để cho ra đơn kính phù hợp.

Thời gian cần thiết cho một lần đo thị lực, khúc xạ có thể từ 5 phút đến 1 giờ, tuỳ trường hợp cần nhỏ thuốc liệt điều tiết hay không. 

Mục đích đo thị lực, khúc xạ là để xác định được khả năng nhìn tối đa của người bệnh. Nếu khả năng nhìn tối đa không đạt được thị lực bình thường, người bệnh cần được khám tìm hiểu lý do tại sao và cách chữa trị.

 

Bs. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh