Khám mắt tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường (BVMTĐ) là một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể làm ảnh hưởng nặng nề đến thị lực. Triệu chứng thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu, vì vậy, việc tầm soát BVMTĐ định kỳ là rất cần thiết để kịp thời ngăn chặn giai đoạn tổn thương nặng, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Vì sao phải khám mắt khi bị bệnh tiểu đường?
Theo thống kê, có đến 40% bệnh nhân tiểu đường type 1 và 20% bệnh nhân tiểu đường type 2 trong thời gian tiến triển của bệnh sẽ gặp phải BVMTĐ. Tuy nhiên, 80% bệnh nhân tiểu đường có thể sống chung với bệnh mà không gặp biến chứng võng mạc khi chủ động tầm soát, và bảo vệ võng mạc từ sớm.
Triệu chứng của bệnh mắt do tiểu đường là gì?
Võng mạc có nhiệm vụ tiếp nhận hình ảnh và truyền tín hiệu đến não bộ, giúp chúng ta nhìn thấy. Ở bệnh nhân tiểu đường, đường máu cao liên tục có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ qua hai giai đoạn chính:
Giai đoạn 1 - Bệnh võng mạc chưa tăng sinh: Xuất hiện các khối phồng nhỏ ở mạch máu phía sau võng mạc, gây rò rỉ dịch, có thể có chảy máu nhưng chưa ảnh hưởng thị lực. Người bệnh thường không tự nhận thấy triệu chứng. Chỉ bằng việc thăm khám và tầm soát, những tổn thương như phình vi mạch, xuất huyết, thiếu máu cục bộ tại võng mạc… mới có thể được phát hiện.
Giai đoạn 2 - Bệnh võng mạc tăng sinh: Mô sẹo và mạch máu mới hình thành để bù đắp cho mạch máu cũ bị tổn thương. Tuy nhiên các mạch máu mới này thường yếu và dễ bị chảy máu. Điều này có thể khiến người tiểu đường bị mất thị lực vĩnh viễn. Người bệnh bắt đầu nhận biết các triệu chứng như:
- Giảm thị lực, khuyết tầm nhìn hoặc mất thị lực đột ngột;
- Tầm nhìn xuất hiện nhiều chấm đen di động, trôi nổi như ruồi muỗi bay;
- Đau nhức mắt, đỏ mắt;
- Khó nhìn trong bóng tối.
Quy trình khám và điều trị bệnh võng mạc tiểu đường tại MEC
Bác sĩ của chúng tôi tiến hành chẩn đoán xác định giai đoạn bệnh dựa vào quan sát toàn bộ mạch máu võng mạc. Tuỳ vào số lượng, vị trí các tổn thương, bệnh được phân thành các giai đoạn chưa tăng sinh nhẹ, vừa hay nặng hay giai đoạn tăng sinh co kéo, có kèm theo có phù hoàng điểm hay không. Từ đó, bác sĩ đưa ra hướng theo dõi và điều trị phù hợp nhất.
Các bước thăm khám và chẩn đoán:
- Khám mắt tổng quát: Kiểm tra thị lực, khúc xạ, kiểm tra nhãn áp, kiểm tra sự vận động của mắt (cơ vận nhãn, lác mắt);
- Khám bằng đèn khe phần trước: mi mắt, kết giác mạc, tiền phòng, thuỷ tinh thể;
- Khám đáy mắt, võng mạc, thị thần kinh sau khi nhỏ giãn đồng tử hoặc không cần nhỏ giãn;
- Chụp hình mắt;
- Chụp OCT hoàng điểm giúp xác định giai đoạn của bệnh.
Tùy vào mức độ thương tổn võng mạc, bác sĩ tiến hành các phương pháp điều trị bằng laser hay tiêm thuốc vào trong mắt mỗi tháng trong trường hợp có phù hoàng điểm hay bệnh võng mạc chưa tăng sinh giai đoạn nặng. Các giai đoạn nhẹ, vừa, người bệnh chỉ cần kiểm soát kỹ bệnh toàn thân.
Ở giai đoạn tăng sinh co kéo, nguy cơ mất thị lực cao, điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ đi những co kéo trên võng mạc.
Tóm lại, phát hiện giai đoạn bệnh võng mạc tiểu đường bằng việc khám mắt tổng quát, chụp hình mắt để có được một lịch trình theo dõi, điều trị lâu dài từ kiểm soát bệnh toàn thân, đến can thiệp vào trong mắt khi cần thiết sẽ hạn chế được sự tiến triển nặng của bệnh, giảm đáng kể nguy cơ mù lòa cho người bệnh tiểu đường.
Đặt lịch hẹn thăm khám
Chúng tôi sẽ phản hồi và xác nhận lịch hẹn sớm nhất