Phẫu thuật đục thủy tinh thể
Khám, theo dõi tiến triển và điều trị Đục thuỷ tinh thể. Cho người bệnh một lời khuyên xác đáng về thời điểm và tiên lượng của phẫu thuật.
Đục thủy tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể (hay đục nhân mắt, bệnh cườm đá, cườm khô) là tình trạng rối loạn thị lực do thủy tinh thể không còn trong suốt. Khi có các triệu chứng như bị chói nhiều khi ra nắng, loá khi lái xe ban đêm, hay thị lực mờ dần, bệnh nhân cần đặt lịch khám với bác sĩ ngay để nhận được lời khuyên xác đáng về thời điểm và tiên lượng của phẫu thuật.
Khi nào đục thuỷ tinh thể cần được phẫu thuật?
Đục thuỷ tinh thể thường không là tình trạng khẩn cấp. Tuỳ theo mức độ đục, mức độ ảnh hưởng sức nhìn và các biến chứng đi kèm (như đục lệch, doạ rớt, nhãn áp tăng, thuỷ tinh thể phồng…) mà bệnh được chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt hay có thể trì hoãn.
Đục thủy tinh thể thường gặp do:
- Lão hoá: đa số người trên 60 tuổi có đục thuỷ tinh thể, thường đục nhân thuỷ tinh thể, tiến triển từ từ không triệu chứng;
- Bẩm sinh: Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh có thể xuất hiện sớm từ vài tháng tuổi, có thể đục trắng (Đồng tử trắng) hay chỉ là chấm đục phôi thai. Đục thuỷ tinh thể có thể cản trở hoàn toàn thị lực hay không ảnh hưởng gì sức nhìn;
- Do chấn thương: Đục thuỷ tinh thể có thể do chấn thương trực tiếp hay đụng dập, có thể đi kèm tổn thương khác như lệch, đứt dây treo thuỷ tinh thể, bong võng mạc…;
- Do bệnh lý: như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, bệnh tự miễn, hay các bệnh tại mắt đi kèm như viêm màng bồ đào, cận thị nặng, Glaucoma;
- Do thuốc: corticoid là thuốc thường gặp nhất. Đục thuỷ tinh thể dưới bao sau gây chói mắt khi ra nắng, khi lái xe ban đêm.
Qui trình khám và điều trị đục Thủy tinh thể của MEC
Bệnh nhân sẽ được thăm khám tổng quát và đánh giá chuyên sâu bằng các kỹ thuật tiên tiến để bác sĩ nắm rõ toàn diện tình trạng từng mắt và cả hai mắt. Qua đó, bác sĩ có thể cho biết tiên lượng của phẫu thuật có tốt không, nguy cơ của phẫu thuật ra sao và giải thích lý do có cần thiết phẫu thuật sớm hay có thể trì hoãn chưa cần mổ mà chỉ theo dõi định kỳ.
Các bước khám tại MEC gồm:
- Khám thị lực; khúc xạ tối đa;
- Đo Nhãn áp; kiểm tra vận động hai mắt;
- Khám mắt tổng quát, bao gồm soi khám võng mạc;
- Chụp đáy mắt màu (nếu cần);
- Chụp OCT võng mạc.
Khi đã có chỉ định phẫu thuật, MEC áp dụng phương pháp hiện đại nhất là Phẫu thuật Phaco- dùng năng lượng siêu âm để tán nhuyễn thể thủy tinh đục và đặt thể thủy tinh nhân tạo thay thế. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn “Chuẩn bị cho phẫu thuật thủy tinh thể”, lên lịch mổ và theo dõi sau mổ.
Có nhiều loại kính nhân tạo bao gồm kính đơn tiêu, kính đa tiêu, edof, hay kính có điều chỉnh loạn thị. Tuỳ vào nhu cầu thị lực, công việc, kỳ vọng của bệnh nhân, điều kiện kinh tế… Bác sĩ và bệnh nhân cùng thảo luận để chọn lựa loại kính nhân tạo phù hợp cả hai mắt để đặt vào mắt khi mổ.
Tóm lại, đục thuỷ tinh thể là một tình trạng bệnh có thể điều trị được bằng phẫu thuật, không khẩn cấp, và hơn 95% mang lại ánh sáng cho người bệnh.
Đặt lịch hẹn thăm khám
Chúng tôi sẽ phản hồi và xác nhận lịch hẹn sớm nhất